CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỸ HỖ TRỢ PHỤ NỮ PHÁT TRIỂN TỈNH QUẢNG BÌNH!
 Bản in     Gởi bài viết  
Giữ gìn nét đẹp truyền thống làng nón lá Hạ Thôn 
 

Làng Hạ Thôn - xã Quảng Tân, Thị xã Ba Đồn từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống. Trãi qua biết bao thăng trầm, biến động của thời gian và cuộc sống, các thế hệ người dân nơi đây vẫn "giữ lửa" cho nghề truyền thống của quê hương, âm thầm giữ gìn "hồn" nón Việt trong từng sản phẩm...

 


Nón lá từ lâu đã là biểu tượng của người phụ nữ và là món quà cho những du khách khi đến Việt Nam. Đến làng Hạ Thôn - xã Quảng Tân, một ngôi làng có truyền thống làm nón lá lâu đời, hỏi đến Chị Phan Thị Liên hầu như gia đình làm nón nào cũng biết bởi chị đã góp công đổi mới cách làm nón cho bà con bằng phương tiện máy móc hiện đại.

Cũng như bao gia đình khác trong làng, trước đây gia đình chị Liên cũng kiếm sống bằng nghề làm nón lá thủ công và thu mua nón của các gia đình khác để bán. Chị cho biết: “Ðể tạo ra chiếc nón đẹp, người làm nón phải rất cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu. Lá mua về được phơi nắng đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc, phẳng mà không giòn, không rách. Trước khi đưa lá vào khuôn nón phải được sấy bằng than và là phẳng bằng một chiếc nồi ủi. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận, căn sao cho nhiệt độ vừa phải để lá không bị cháy, hoặc bị sống vì không đủ độ nóng. Vành nón làm bằng tre vót nhỏ, đều, tuyệt đối không được cong vênh”.

Thấy bà con mất nhiều thời gian để làm ra được một chiếc nón, chị tìm hiểu, nghiên cứu cách đổi mới để nâng cao hiệu quả, tăng năng suất, thu nhập và vẫn giữ được nghề truyền thống. Năm 2019, sau thời gian tìm hiểu, chị đã tìm đến Quỹ Hỗ trợ PNPT Chi nhánh Quảng Trạch vay 20.640.000đ, cùng với số vốn mà gia đình chị tích lũy được, chị đã mạnh dạn đầu tư mua máy chuyên cho việc làm nón, hướng dẫn cho người dân thay khung tre bằng khung nhựa tái sinh.

 


 Khung nhựa làm nón bằng nhựa tái sinh thay thế khung tre truyền thống

 

Việc sử dụng máy để làm nón đã giúp cho việc làm nón nhẹ nhàng hơn, sản xuất nhiều sản phẩm hơn, việc thay khung tre bằng khung nhựa tái sinh cũng giúp chất lượng của nón bền hơn và hạn chế được việc khai thác tre, mây... "Trước đây mỗi ngày chỉ làm được 2 chiếc nón là đã hoa mắt, mỏi lưng và những người càng lớn tuổi lại càng khó trụ được với nghề. Từ ngày sử dụng máy móc, mọi công việc đơn giản hơn hẳn", Chị Liên chia sẻ.
Đến năm 2021, chị Liên vay thêm món vay 41 triệu từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, chị mở một xưởng làm nón cũng như cung cấp nguyên liệu, thu mua lại sản phẩm của người dân.



Xưởng làm nón của gia đình chị Liên

 

Bằng cách làm đổi mới, mỗi tháng xưởng nón của gia đình chị Liên có thể sản xuất được 40.000 - 50.000 sản phẩm xuất, không chỉ bán trong tỉnh mà còn bán đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh, thành miền Nam, doanh thu lên đến gần 1 tỉ đồng/tháng, tạo công việc ổn định cho 8 đến 10 chị em với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng.




Từ niềm đam mê với nghề làm nón lá, chị Liên đã đóng góp phần nhỏ trong gìn giữ được nét văn hóa của làng nón Hạ Thôn xã Quảng Tân. Chị Liên mong muốn sẽ đưa sản phẩm nón lá Quảng Tân đến gần hơn với bạn bè thế giới, quảng bá nét đẹp văn hóa quê hương.

Trần Thùy Dương
Quỹ HTPNPT – CN Quảng Trạch

 

[Trở về]
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
TRUY CẬP TRONG NGÀY
SỐ NGƯỜI ONLINE